Nhiều trường hợp vì do quá hồi hộp mà người nộp đơn trả lời sai hoặc quên tất cả những gì đã chuẩn bị. Chúng ta có thể nói là quên, không nên bịa hoặc trả lời lòng vòng. Tuy nhiên vẫn là chấp nhận được nếu trả lời sai vài câu, nhưng toàn bộ phiên kháng án không có câu nào trả lời đúng thì không thể thuyết phục là do mình đã quên.

 

Việc xin visa di trú Úc vốn đã không dễ dàng khi Bộ Di trú ngày càng siết chặt các điều kiện xét duyệt hồ sơ, và thực tế không ít hồ sơ xin cấp visa di trú Úc bị từ chối hoặc bị hủy bỏ. Trong hoàn cảnh này, kháng cáo được xem như một cơ hội cuối cùng để người nộp hồ sơ có thể xin được cấp lại visa.

Thế nào là visa bị từ chối và visa bị hủy?
Visa bị từ chối thường vì lý do hồ sơ không đủ điều kiện thỏa mãn để được cấp visa, hoặc chứng cứ đưa ra trong hồ sơ thiếu thuyết phục.

Còn đối với những người đã có visa nếu vi phạm luật di trú, hoặc phạm án sẽ có khả năng bị hủy visa, ngay cả đối với những người đã có PR.

> Xem thêm: Những lý do khiến người Việt dễ bị hủy Visa khi tới Úc

Làm gì khi visa bị từ chối hoặc bị hủy?
Nếu quý vị cho rằng quyết định của Bộ di trú là không chính xác, quý vị có thể nộp đơn lên Ủy ban kháng án (Administrative Appeals Tribunal – AAT) để có cơ hội được giải trình hoặc đưa thêm chứng cứ. Đây là cơ quan đầu tiên trong quy trình kháng án, chuyên lo về những quyết định dân sự của chính quyền.

Thời hạn để nộp đơn xin kháng cáo sau khi hồ sơ bị từ chối là 28 ngày đối với người đang ở Úc, và 70 ngày đối với người đang ở Việt Nam.

Đối với hồ sơ bị hủy, thời hạn để nộp đơn xin kháng án khoảng 5 – 7 ngày sau khi có quyết định từ Bộ di trú. Trong thời gian bị hủy visa, quý vị đã trở thành người sống bất hợp pháp tại Úc, do đó, quý vị cần xin bridging visa E đã được ở lại hợp pháp trong thời gian kháng án. (Xem thêm Việt Nam ‘lọt’ TOP 3 nước có nhiều visa Úc bị hủy nhất nhiều nhất)

Điều kiện để được kháng án lên AAT
Không phải tất cả các trường hợp visa bị từ chối hoặc bị hủy đều được cứu xét mà chỉ có hai trường hợp sau:

– Người nộp visa đang ở Úc nếu bị từ chối sẽ được kháng án lên AAT.

– Người nộp những loại visa có người bảo lãnh, khi đó người bảo lãnh ở Úc sẽ đứng ra kháng án.

Ví dụ: visa du học (500), visa tay nghề độc lập (189), visa du lịch không có người thân bảo lãnh, những visa này nếu nộp đơn ở Việt Nam, khi bị từ chối sẽ không được kháng án.

Visa bảo lãnh hôn thê/hôn phu, bảo lãnh cha mẹ, visa bảo lãnh người lao động 457, 186…nếu bị từ chối sẽ được quyền kháng án.

Quy trình kháng án gồm những bước nào?
1. Kháng án lên AAT
AAT sẽ xem xét về luận điểm luật pháp và chứng cứ mới. Nghĩa là nếu quý vị có thêm các chứng cứ mới thì có thể trình ra ở thời điểm này. AAT sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên những chứng cứ này.

Buổi kháng cáo sẽ do một người ủy viên của AAT làm chủ tọa. Đương đơn sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn trả lời các câu hỏi của ủy viên. Ở bước này, luật sư chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong trường hợp thân chủ gặp khó khăn trong việc trình bày, hoặc khi có yêu cầu từ phía ủy viên.

Mục đích của việc kháng cáo là để người nộp đơn có cơ hội được giải thích những điểm chưa rõ ràng trong hồ sơ một cách thuyết phục, do đó việc chuẩn bị chứng cứ và trả lời một cách chân thực, rõ ràng là điều rất quan trọng trong giai đoạn này.

Những câu hỏi thường rất đơn giản với mục đích xem xét lời khai của đương đơn có phù hợp với chứng cứ đưa ra hay không, và họ cũng muốn xem xét biểu hiện của người đó có thẳng thắn, trung thực hay không.

Chẳng hạn ủy viên có thể cho mời người chồng lên đối chứng với người vợ đang ở Việt Nam, và hỏi những câu hỏi về cuộc sống hàng ngày. Nếu câu trả lời hai người khớp nhau thì đó sẽ là chứng cứ thuyết phục.

Nhiều trường hợp vì do quá hồi hộp mà người nộp đơn trả lời sai hoặc quên tất cả những gì đã chuẩn bị. Chúng ta có thể nói là quên, không nên bịa hoặc trả lời lòng vòng. Tuy nhiên vẫn là chấp nhận được nếu trả lời sai vài câu, nhưng toàn bộ phiên kháng án không có câu nào trả lời đúng thì không thể thuyết phục là do mình đã quên.

2. Kháng án lên Tòa Án liên bang
Trong trường hợp không thành công tại Ủy ban kháng cáo thì quý vị vẫn có thể tiếp tục kiện lên Tòa Án liên bang, gồm có 2 cấp, sơ thẩm và phúc thẩm.

Tòa án liên bang không xem xét chứng cứ mới mà chỉ xem xét quyết định của Ủy ban kháng án có sai lầm hay không. Nghĩa là quý vị không thể đưa thêm chứng cứ mới.

Ở cấp độ này, quý vị phải cần đến sự trợ giúp của luật sư hoặc trạng sư để thảo đơn và tranh tụng trước tòa

Nếu Tòa án xác nhận AAT đã làm sai, tòa án sẽ trả hồ sơ về lại cho MRT để một ủy viên khác xét lại hồ sơ. Nếu thắng kiện, hồ sơ sẽ được trả về Bộ di trú để yêu cầu xét lại hồ sơ.

Nếu thua ở Tòa sơ thẩm, quý vị vẫn có thể tiếp tục kiện lên Tòa phúc thẩm. Cấp cuối cùng là Tòa án tối cao, tuy nhiên cần phải có lý do đặc biệt.

Chi phí pháp lý cho việc kháng án là bao nhiêu?
Chi phí nộp đơn kháng cáo tại AAT là $1,671, nếu thắng kiện quý vị sẽ được trả lại 50%.

Tổng chi phí pháp lý ở tòa sơ thẩm bao gồm tiền đơn, tiền luật sư và án phí (nếu thua) trong khoảng gần $20,000.

Kháng cáo luật di trú là một quy trình tốn nhiều công sức và cả tiền bạc, cách tốt nhất hãy làm đúng luật ngay từ đầu, hoặc tìm đến sự trợ giúp hoặc tư vấn về luật pháp để tránh những rủi ro đáng tiếc.