Theo số liệu của Rosen Consulting và Asia Society, hàng ngàn nhà đầu tư Trung Quốc chiếm đến 85% số nhà đầu tư nộp đơn xin visa EB-5 mỗi năm. Trung Quốc cũng vượt qua Canada trở thành khách mua nhà hàng đầu ở Mỹ.

 

Khi Quốc hội Mỹ tranh luận về việc nâng yêu cầu tối thiểu của chương trình thị thực nhập cư dạng đầu tư (EB-5) vào Mỹ từ 500.000 USD lên 1,35 triệu USD, nhà giàu Trung Quốc đang tranh nhau ‘chiếc vé’ thẻ xanh.


Theo Bloomberg, Giám đốc chương trình Mỹ Judy Gao tại hãng Can-Reach (Pacific), công ty ở Bắc Kinh hỗ trợ những người muốn xin visa dạng đầu tư vào Mỹ EB-5, cho hay: “Một số khách hàng đang yêu cầu chúng tôi đảm bảo rằng đơn xin thị thực của họ phải được nộp trước ngày 28.4.2017. Chúng tôi đang phải làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu”.

Giới giàu có Đại lục – những người phải sử dụng nhiều cách không phải lúc nào cũng hợp pháp để “lách” biện pháp kiểm soát vốn của chính phủ, đưa tiền ra nước ngoài mua quyền cư trú ở Mỹ – đang tiếp tục áp đảo công dân những nước khác trong “cuộc đua” giành visa EB-5. Họ đã và đang tiếp tục ưu ái cho “hộ chiếu vàng” của Mỹ, bất chấp chính phủ Trung Quốc đưa ra thêm nhiều biện pháp mới.
Xu hướng trên đưa dòng tiền từ Đại lục chảy vào các dự án bất động sản cao cấp ở Mỹ, từ thành phố New York cho đến bang California, trong đó có nhiều dự án của gia đình con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Jared Kushner. Cụ thể, kế hoạch tái tài trợ và xây dựng tòa nhà văn phòng tại số 666 Fifth Avenue của gia đình ông Kushner đang tìm kiếm khoản đầu tư 850 triệu USD từ chương trình EB-5, cũng như tiền mặt từ tập đoàn bảo hiểm Đại lục Anbang Insurance và nhiều nhà đầu tư khác.

200.000 việc làm được tạo ra từ chương trình EB-5

EB-5 là chương trình visa EB-5 được ước tính tạo ra 200.000 việc làm ở Mỹ, thu hút đến 14 tỉ USD tiền đầu tư chỉ từ người giàu Trung Quốc. Một số dự án từng tận dụng lợi thế của EB-5 gồm: bất động sản Hudson Yards ở New York, Khu đô thị Esyaca tại San Diego và tòa tháp thương hiệu Trump tại Jersey City.

Vì các cá nhân Đại lục bị giới hạn đổi tiền chỉ 50.000 USD giá trị nhân dân tệ mỗi năm, 1/10 số tiền mà chương trình EB-5 yêu cầu, một số hãng đang tư vấn cho khách hàng không có tài sản ở nước ngoài sử dụng cách chuyển tiền theo từng khoản nhỏ để tránh sự chú ý của nhà nước.
“Chúng tôi gợi ý khách hàng mở từ ba đến bốn tài khoản cá nhân ở Mỹ, hoặc lấy thêm từ ba đến bốn tài khoản của bạn bè, để họ chia tiền, chuyển tiền vào nhiều tài khoản khác nhau mà không bị đưa vào “danh sách đen” của chính quyền Trung Quốc. Khách hàng cũng có thể phải đi một chuyến đến Mỹ để thuận lợi hóa quá trình này”, một hãng bất động sản ở Thượng Hải cho hay.

Dân Trung Quốc dẫn đầu chương trình EB-5


Số lượng nhà đầu tư Trung Quốc tham gia chương trình thị thực đầu tư EB-5 áp đảo công dân nhiều nước khác

Dù Bắc Kinh dành phần lớn năm 2016 để ngăn chặn việc người dân gửi nhiều tiền ra nước ngoài, ổn định đồng nội tệ và dự trữ ngoại hối lao dốc, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tiếp tục ưu ái chương trình EB-5. Trong năm tài khóa kết thúc ngày 30.9, nhà giàu Đại lục đổ tổng cộng 3,8 tỉ USD vào Mỹ để đổi lấy thị thực dạng đầu tư, theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

EB-5 được khởi động cách đây nhiều thập niên, là cách thu hút đầu tư ngoại quốc để tạo ra công ăn việc làm trong nhiều khu vực tại Mỹ. Dù vậy, chương trình này vấp phải sự phản đối chính trị, vì khoản phí tối thiểu theo yêu cầu của chương trình làm lợi cho các tỉ phú phát triển bất động sản và chương trình cũng bị chi phối bởi giới nhà giàu Đại lục.

Nhà phân tích Andrew Collier, cựu Chủ tịch Bank of China International, cho hay: “EB-5 là chương trình chính cho các đợt tháo vốn bị người Mỹ và người Trung Quốc lạm dụng”. Dù không có dấu hiệu cho thấy các nhà phát triển bất động sản sai phạm khi nhận tiền từ chương trình EB-5, Cơ quan Di trú và Nhập cư Mỹ cũng thông báo hồi tuần trước rằng sẽ kiểm tra chặt hơn vì lo ngại gian lận.
Theo số liệu của Rosen Consulting và Asia Society, hàng ngàn nhà đầu tư Trung Quốc chiếm đến 85% số nhà đầu tư nộp đơn xin visa EB-5 mỗi năm. Trung Quốc cũng vượt qua Canada trở thành khách mua nhà hàng đầu ở Mỹ.

Không màng lợi nhuận


Dự án khu đô thị Escaya tại thành phố Chula Vista, San Diego

Đổ tiền vào khách sạn gần công viên trung tâm, một dự án thuộc EB-5 ở New York, ông Kevin Tai, người Thượng Hải, vừa chuyển đến Mỹ sống trong tháng này. Ông và gia đình nộp đơn xin cấp thị thực đầu tư từ cuối năm 2013 và thời gian qua đã chuyển hơn 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm để đáp ứng yêu cầu đầu tư tối thiểu. Ông Tai dùng căn nhà ở Thượng Hải để thế chấp cho khoản vay 500.000 USD tại Hang Seng Bank ở Hồng Kông. Đây là đường để có tiền mặt nhanh hơn so với việc chuyển khoản từng chút một.

“Tôi không nhớ tỷ lệ lợi nhuận mà họ nói vì nó không quan trọng. Đối với hầu hết những người xin visa EB-5 như chúng tôi, mục đích là có tấm thẻ xanh vĩnh viễn”, ông Tai chia sẻ. Đa số các khoản đầu tư EB-5 mang lại lợi nhuận rất thấp, chỉ trong khoảng 0,25% đến 0,5%.

Hiện có 900 công ty ở Trung Quốc đăng ký hoạt động hỗ trợ di cư và hầu hết các hãng này đều cung cấp dịch vụ EB-5. Dù vậy, số tiền mà dân Trung Quốc bơm vào kênh EB-5 vẫn chỉ bằng 0,5% so với tổng lượng vốn thoái 728 tỉ USD ra khỏi nước này hồi năm 2016, theo ước tính của Ngân hàng Standard Chartered.

Dù dòng vốn thoái giảm mạnh trong những tháng gần đây nhờ giới quản lý tăng cường kiểm soát và nhân dân tệ ít biến động, giới phân tích cho biết hiện còn nhiều áp lực trong và ngoài nước buộc dân Trung Quốc phải chuyển tiền ra nước ngoài. Đơn cử, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự báo, USD có thể tăng giá và vốn tiếp tục chảy ra.