Anh Luong, một giáo viên Việt – Anh lớp 2, cho hay dù hầu hết các học sinh của cô xuất thân từ gia đình gốc Việt, khoảng một phần tư lớp có gốc gác khác. Dù việc dạy cho các trẻ em không có người thân nói tiếng Việt là khó hơn, Luong cho hay theo dõi quá trình các em tiếp thu và thích nghi rất thú vị.

 

Tôi đã học ít nhất 10 trường tiếng Anh để giành được suất học bổng đi Mỹ và cho rằng tiếng Việt chẳng có ý nghĩa gì ở môi trường mới này. Tôi chỉ biết mình sai khi nhìn những đứa trẻ học tiếng Việt tại trường mẫu giáo như một ngôn ngữ thứ hai.

An Vuong Nguyen, 19 tuổi, hiện là sinh viên đại học Washington, thành phố Seattle, bang Washington. Khi cô lớn lên, các trường song ngữ và tiếng Anh nở rộ như nấm sau mưa khắp thành phố. Cũng nhiều các bậc phụ huynh khác, từ năm 8 tuổi, cha mẹ của Nguyen đã đăng ký cho cô theo học tại một trường tiếng Anh vào cuối tuần.


An Vuong Nguyen, 19 tuổi, hiện là sinh viên đại học Washington, thành phố Seattle, bang Washington

“Trong 10 năm sau đó, tôi liên tục ghi danh vào nhiều lớp tiếng Anh khác nhau sau giờ học ở trường. Tôi đã học ít nhất 10 trường tiếng Anh khác nhau, từ các trung tâm lớn với chi phí đắt đỏ, đến các lớp học nhỏ hơn, nơi mọi người ngồi chen chúc nhau trong căn phòng luôn sực nức mùi chân”, Nguyen chia sẻ trên Seattle Globalist. “Tôi hiểu tiếng Anh là một thứ rất quan trọng mà tôi cần phải biết, nhất là khi tôi dự định du học trong tương lai”.

Tốt nghiệp cấp ba, Nguyen sang Mỹ học. Bạn bè ở Việt Nam hay trêu rằng một ngày nào đó, cô sẽ quên tiếng Việt.

“Tất cả chúng tôi đều biết điều đó là không thể nhưng lúc đó tôi nghĩ rằng tiếng mẹ đẻ không có ý nghĩa gì ở nước Mỹ này. Tôi tự hỏi làm gì có ai ở một nước nói tiếng Anh lại muốn học tiếng Việt”, Nguyen nói.

Sự ra đời của các trường song ngữ ở Seattle đã chứng minh suy nghĩ của Nguyen là sai. Đầu năm 2016, trường mẫu giáo song ngữ tiếng Việt Hoa Mai, trung tâm phát triển trẻ em song ngữ Việt – Anh đầu tiên tại Seattle mở cửa.

Nhu cầu học các chương trình song ngữ ngày càng tăng. Số trẻ em từ các gia đình nhập cư đăng ký học mẫu giáo đã tăng lên từ năm 2005 và xu hướng này dự kiến tiếp diễn trong 10 năm tới. Cuộc điều tra dân số năm 2000 cũng cho thấy số trẻ em từ các gia đình nhập cư đã tăng 63% chỉ trong vòng 10 năm.

Seattle là nơi có một lượng lớn người Mỹ gốc Việt sinh sống, gồm hơn 43.700 người ở quận King. Người Việt và người Mỹ gốc Việt chiếm 12% tổng dân số gốc Á ở quận này, trở thành cộng đồng gốc Á lớn thứ 4 sau người Hoa, Philippines và Ấn Độ.

Tại trường Hoa Mai, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam được giảng dạy thông qua nhiều kênh khác nhau. Ngoài các hoạt động trong lớp, trẻ em còn được tiếp cận với sách và âm nhạc Việt Nam.

“Phần lớn các bữa trưa cũng là món ăn Việt Nam”, Gloria Hodge, một nhà quản lý của trường Hoa Mai, cho hay. “Bằng cách này, giờ ăn cũng là cơ hội để các em học và luyện tập tiếng Việt, đồng thời tiếp xúc với văn hóa Việt Nam trong khi ăn những bữa ăn tốt cho sức khỏe”.

Bà Hodge cho biết những gia đình không phải gốc Việt cũng rất thích trường Hoa Mai vì đây là cơ hội cho con em họ học một ngôn ngữ khác. Họ biết và đánh giá cao lợi ích của giáo dục song ngữ. Với số lượng người Việt ở Seattle khá lớn, việc biết tiếng Việt có lợi cho tương lai của các em.

Tiếng Việt không chỉ được dạy ở trường mẫu giáo. Trường tiểu học White Center Heights cũng chào đón các học sinh đăng ký chương trình song ngữ, trong đó có tiếng Việt.

Anh Luong, một giáo viên Việt – Anh lớp 2, cho hay dù hầu hết các học sinh của cô xuất thân từ gia đình gốc Việt, khoảng một phần tư lớp có gốc gác khác. Dù việc dạy cho các trẻ em không có người thân nói tiếng Việt là khó hơn, Luong cho hay theo dõi quá trình các em tiếp thu và thích nghi rất thú vị.

“Có lần, một trong các học sinh không phải người Việt của tôi viết một câu 4 từ bằng tiếng Việt làm tôi rất ngạc nhiên”, Luong kể. “Cậu bé tự viết một câu hoàn chỉnh mà không cần sợ trợ giúp của tôi”.

Cả trường Hoa Mai và White Center Heights đều khuyến khích trẻ em hướng tới sự đa dạng và chuẩn bị cho các em khả năng làm việc ở những môi trường đòi hỏi song ngữ cao.

“Việc những người nói tiếng Anh học tiếng Việt đã làm dấy lên một điều gì đó trong tôi. Bây giờ tôi đã biết trân trọng tiếng mẹ đẻ, không phải vì có nhiều người sử dụng nó hay vì nó được xem là một ngôn ngữ ‘toàn cầu’ hay không. Thực tế, quy mô nhỏ của các lớp mẫu giáo tiếng Việt hay cộng đồng người học tiếng Việt là điều làm cho ngôn ngữ này trở nên đặc biệt”, Nguyen nói. “Tầm quan trọng của ngôn ngữ không dựa trên quy mô của cộng đồng đó mà ở việc nó được đối xử như thế nào. Trong trường hợp này, cộng đồng ở Seattle đang làm công việc tuyệt vời là duy trì sự đa dạng và cho thấy sự trân trọng với các ngôn ngữ”.