“Sau sự việc của bà Nguyệt Hường, lượng khách hàng của tôi có lắng xuống, nhưng rồi nhanh chóng bình thường trở lại bởi đa phần họ là giới doanh nhân, không tham gia vào chính quyền hoặc chính trị, và nhu cầu có quốc tịch thứ hai là hoàn toàn chính đáng”, một đơn vị tư vấn cho biết.

 

Chính sách nhập cư theo chương trình đầu tư các nước Mỹ, Australia, Canada,… ngày càng được siết chặt. Nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng sang các nước khác có tiêu chuẩn thoáng hơn, đặc biệt là Châu Âu.

Nhà giàu Việt chuyển hướng ‘mua’ quốc tịch châu Âu

Trước khi xảy ra vụ việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị tước tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV do có quốc tịch Malta (thuộc liên minh châu Âu), rất ít người Việt Nam biết đến đảo quốc này cùng chương trình đầu tư định cư hấp dẫn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì nhu cầu sở hữu một quốc tịch châu Âu vẫn đang “âm thầm” nóng lên từng ngày.

So với các thị trường di trú truyền thống, những website của các công ty tư vấn người Việt Nam đầu tư định cư vào châu Âu hiện chưa nhiều, nhưng thông tin rất cụ thể. Các hình ảnh, thông tin về những lợi ích mang lại khi sở hữu quốc tịch châu Âu thật sự hấp dẫn. Nhiều công ty còn so sánh trực tiếp với chương trình đầu tư EB-5 của Mỹ và chỉ ra nhiều ưu điểm vượt trội hơn.

Sự hấp dẫn đầu tiên của việc lấy quốc tịch các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Antigua và Barbuda, Ireland, đảo Síp, Malta… là việc xét duyệt nhanh chóng (chỉ từ 3 đến 4 tháng so với 16 – 17 tháng của Mỹ), số ngày lưu trú tối thiểu ít (chỉ từ 7 đến 14 ngày một năm trong những năm đầu), không giới hạn độ tuổi, không yêu cầu trình độ quản lý, ngôn ngữ bản địa. Đặc biệt, các nước này có các mức ưu đãi thuế rất lớn cho cư dân không thường trú.

Theo ý kiến của các đơn vị tư vấn chương tình Châu Âu thì không có gì lạ khi một số quốc gia châu Âu cho phép đầu tư định cư có các quy định về thuế khá thoáng, thậm chí được gọi là “thiên đường thuế”, tiêu biểu là Malta, đảo Síp, quần đảo Cayman… Vì vậy, Liên minh châu Âu đã nhiều lần gây áp lực lên các quốc gia này, cáo buộc họ “bán” quốc tịch nên nhiều quốc gia phải thay đổi luật di trú, tăng mức đầu tư lên gấp đôi, gấp ba; tăng số ngày cư trú tối thiểu trong nước lên cả năm.

Tuy nhiên, đó chỉ là yêu cầu đầu vào, còn cuối cùng, những ưu đãi thuế một khi đã là công dân vẫn không thay đổi mấy. Đó là lý do cho các chương trình định cư châu Âu vẫn thu hút người tham gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

“Sau sự việc của bà Nguyệt Hường, lượng khách hàng của tôi có lắng xuống, nhưng rồi nhanh chóng bình thường trở lại bởi đa phần họ là giới doanh nhân, không tham gia vào chính quyền hoặc chính trị, và nhu cầu có quốc tịch thứ hai là hoàn toàn chính đáng”, một đơn vị tư vấn cho biết.

Nói về các loại hình đầu tư thì cũng có nhiều dạng, từ bất động sản đến dịch vụ. Chẳng hạn như đầu tư định cư tại Mỹ thì đầu tư xây dựng bất động sản là an toàn nhất. Chương trình của Mỹ yêu cầu 500.000 USD và chỉ có 700 suất cho mỗi nước tham gia, vừa mới có thông tin được gia hạn đến tháng 3/2017 nên vẫn đang là sự ưu tiên hàng đầu của rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam.

Còn ở những nước châu Âu thì các loại hình đầu tư có thể không đa dạng bằng Mỹ, nhưng điều kiện lại dễ dàng. Thậm chí, nhiều nơi còn không yêu cầu chứng minh nguồn tiền sạch.

Với Bồ Đào Nha, nhà đầu tư chỉ cần mua bất động sản có sẵn, giá trị tối thiểu 500.000 euro và giữ tài sản đó 5 năm. Ireland cũng yêu cầu đầu tư 500.000 euro vào những dự án do Nhà nước chỉ định. Cộng hoà Síp (đảo Síp) yêu cầu đầu tư 1,7 triệu euro vào bất động sản nhưng có thể bán sau 3 năm, điều kiện phải giữ lại tối thiểu 500.000 euro khối tài sản này.

Tổng quan chương trình đầu tư định cư Golden Visa của Bồ Đào Nha, từ tháng 10/2012 đến tháng 4/2016, đã có 3.295 nhà đầu tư được cấp thẻ cư trú. Trong đó, có 3.112 nhà đầu tư vào bất động sản, 178 nhà đầu tư tài chính và 5 nhà đầu tư tạo việc làm cho người bản xứ. Đã có 5.034 thẻ cư trú được cấp cho người phụ thuộc. Tổng số tiền đầu tư vào chương trình Golden Visa là hơn 2 tỷ euro, trong đó số tiền đầu tư vào bất động sản là 1,8 tỷ euro.