Những lời cảm ơn của cô hàng xóm gửi cho mình, sau khi mình nấu ăn cho gia đình cô. Phía dưới là những dòng cám ơn của chị chồng mình, gửi cho ông xã, cảm ơn ông ấy đã cho chị mượn laptop.
Trong gia đình, các thành viên không “take things for granted”, cho rằng “đó là nhiệm vụ của bà ấy, của ông ấy, của con mình” phải làm. Mọi người trong gia đình mình luôn đón nhận những điều người khác làm cho nhau với sự trân trọng và lòng biết ơn.
Không riêng gì trong gia đình, mà đối với cha mẹ, anh chị em ở xa, hoặc bạn bè ở chỗ làm, hay hàng xóm… khi ai đó làm gì giúp mình, hoặc cho hay tặng cái gì đó… người ta thường gọi điện thoại cám ơn, hoặc trang trọng hơn thì viết vài dòng “thank you” để gửi, bày tỏ lòng biết ơn. Trang trọng thì mua thiệp “Thank You card”, một tấm thiệp nhỏ, viết vài dòng để gửi, thân mật thì có thể viết trong một tấm note card rồi cho vào phong bì và gửi đi.
Khoảng một tháng trước, cô S. là hàng xóm của mình mới sinh em bé (hình 2). Thấy vợ chồng nó lu bu nên mình nấu bữa ăn tối cho cả gia đình, để vợ chồng S. rảnh rỗi, có thì giờ chăm sóc em bé. Mình nấu trước ở nhà, trưa trưa thì mang qua để nó biết mà không phải lo chuẩn bị nấu buổi ăn tối. S cám ơn rối rít khi nhận đồ ăn, mấy ngày sau S mang đồ qua trả kèm theo tấm thiệp cám ơn (thiệp màu tím trên đầu – nó luôn viết sai tên mình là “Tu” thay vì “Thu”).
Phía dưới là thiệp cám ơn của bà chị chồng của mình, chị Chris. Hè vừa rồi, chị bay qua châu Âu, dự định nghỉ hè ở đó 6 tháng, nhưng mới đi được hơn 1 tháng thì hay tin bố chồng mình bị bệnh. Chị ở Đức, nhưng trong lúc nhận được tin thì đang đi chơi ở Anh, nên từ Anh chị bay thẳng về nhà ông bố mà không kịp quay lại Đức để lấy đồ đạc, nên không mang theo laptop. Chị ở chăm sóc bố thời gian dài mà không có laptop, ông xã mình qua thăm cụ, có mang theo laptop nên để lại cái laptop của ổng cho chị ấy xài. Sau khi chị về nhà và nhận được laptop của người bạn bên Đức gửi qua, chị gửi laptop trả lại cho ông xã mình, kèm theo cái thiệp cám ơn. Câu cuối là: Em là người em và (chị hy vọng) là người bạn tuyệt vời. Yêu em nhiều – “You are [a] wonderful brother and (I hope) friend. I love you mucho.” (Mucho là tiếng Spanish).
Những lời cảm ơn của cô hàng xóm gửi cho mình, sau khi mình nấu ăn cho gia đình cô. Phía dưới là những dòng cám ơn của chị chồng mình, gửi cho ông xã, cảm ơn ông ấy đã cho chị mượn laptop.
Thường khi tổ chức đám cưới cũng vậy, sau khi đám cưới xong, đôi vợ chồng mới cưới viết thiệp gửi tới từng gia đình để cám ơn bạn bè và người thân đã bỏ thì giờ tới dự đám cưới của mình.
Tương tự như “cám ơn”, “xin lỗi” cũng được người Mỹ dùng khá nhiều trong ngày. Đôi khi người ta xin lỗi mặc dù thật sự chẳng phải lỗi, chẳng hạn như khi đi mua sắm, vô tình đi trước mặt ai đó, làm cản đường đi của họ, thì dừng lại nói “I’m sorry. Am I in your way?” Nghĩa là: Xin lỗi, tôi cản đường của bạn phải không? Hoặc cả 2 người đi mua sắm ở siêu thị, đi từ 2 hướng khác nhau, vô tình đối mặt nhau, thì cả hai đều nói lời xin lỗi nhau, rồi cười và tiếp tục đi mua sắm.
Khi lái xe bị đụng nhau, người Mỹ thường xuống xe rồi đôi bên xin lỗi nhau, sau đó trao đổi bảo hiểm. Nếu chỉ bị trầy sướt nhẹ, không có thương vong, người ta thường gọi cho hãng bảo hiểm, để bảo hiểm 2 bên điều tra tìm xem lỗi của ai để quyết định bảo hiểm bên nào sẽ bồi thường. Nếu lỗi của mình thì bảo hiểm của mình bồi thường cho người kia, nên không việc gì phải cãi nhau.
Những ứng xử, xã giao thông thường (common courtesy) trong văn hóa Mỹ như “cám ơn” hay “xin lỗi”, xem ra nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn, có thể giúp tránh làm phiền lòng những người xung quanh hay người thân của mình, tránh những cãi vả không cần thiết, cũng như giúp ngăn chặn những hành động khác có thể dẫn đến bạo lực.
About The Author: Immigration Master
More posts by Immigration Master