Thiếu dữ kiện về chính mình thì khó tránh được sự ngộ nhận. Và khi không biết thì cũng chẳng quan tâm. Thiếu sự quan tâm thì không có hành động để đối phó. Đó là tình trạng đáng lo của cộng đồng Việt sau 36 năm ở Hoa Kỳ. Trong binh thư, “biết người biết ta” là yếu tố tiên quyết để thành công. Chúng ta cần biết về chính mình.

 

Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có tổng cộng 1,548,449 người, theo công bố chính thức của thống kê dân số 2010 (Census 2010).
Theo kết quả kiểm tra dân số năm 2010 công bố, dân số người Việt ở Hoa Kỳ đã tăng 38% (thêm 425,921 đầu người) trong thập niên 2000-2010.

Số người Việt hiện ở Hoa Kỳ hiện nay là 1,548,449, so với 1,122,528 năm 2000, 614,547 năm 1990, và 261,729 năm 1980. Vào thời điểm của cuộc kiểm tra dân số năm 1970 thì chưa có cộng đồng người Mỹ gốc Việt.


Đến năm 2010 dân số Việt Nam ở Hoa Kỳ đã là 1.548.449 người

Trong 10 năm từ 2000 đến 2010, dân số người Việt ở mọi tiểu bang đều gia tăng, ngoại trừ thủ đô Washington, D.C. thì giảm sút 18% – vì đời sống mắc mỏ, nhiều người Việt đã phải di dời sang tiểu bang Virginia và Maryland.

Vào thời điểm năm 2010 gần ¾ dân số Việt tập trung trong mười tiểu bang:

1. California (37.58%)
2. Texas (13.62%)
3. Washington (4.30%)
4. Florida (3.78%)
5. Virginia (3.46%)
6. Georgia (2.92%)
7. Massachusetts (2.77%)
8. Pennsylvania (2.52%)
9. New York (1.86%)
10. Louisiana (1.83%)

Khu vực đông dân Việt Nam nhất vẫn là vùng Los Angeles – Long Beach – Santa Ana (271,234 người). Đông thứ hai là vùng San Jose – Sunnyvale – Santa Clara (125,774). Hạng 3 -5 gồm có: Houston – Sugar Land – Baytown (103,525), Dallas – Fort Worth – Arlington (71,839), và Washington DC – Arlington – Alexandria với (58,767).

Thành phố đông dân Việt nhất là San Jose (100,486). Kế đến là Garden Grove (47,331). Tiếp theo là Westminster (36,058), Houston (34, 838) và San Diego (33,149).
Tuy nhiên, nói về tỉ lệ người Việt so với tổng số dân thì thị trấn Midway, CA đứng đầu (41.4%); tiếp theo là Westminster, CA (40.2%); Garden Grove, CA (27.7%); Fountain Valley, CA (20.7%); Morrow City, GA (20.3%).

Tuỳ theo lăng kính nhìn, những con số trên đây có thể gợi nhiều câu hỏi để chúng ta suy tư:

– Chẳng hạn, liệu các tổ chức cộng đồng ở mỗi địa phương có phát triển dịch vụ xã hội để đáp ứng nhu cầu của sự gia tăng dân số quá nhanh?
– Liệu nền kinh tế cộng đồng có phát triển lành mạnh đủ để gánh vác số nhân khẩu gia tăng trong khu vực?
– Liệu cộng đồng có kế hoạch để giúp người tị nạn và di dân mới trở thành công dân và ghi danh cử tri?
– Liệu cộng đồng có kế hoạch gì để chăm lo cho số người Việt bước vào tuổi xế chiều ngày càng đông?
– Liệu cộng đồng có dự tính gì để đưa người vào các guồng máy lập pháp và hành chính ở địa phương?
– Và nhiều nữa.

Tôi cũng đã nghe có người nhận định rằng cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ không có vấn đề gì phải quan tâm vì phần lớn người Việt đều đỗ đạt, thành công. Nghĩ vậy là một ngộ nhận lớn. Cuộc thăm dò năm 2009 của Sở Thống Kê Dân Số phản bác nhiều ngộ nhận như vậy. Dưới đây là một vài ví dụ:

– Người Việt 25 tuổi trở lên: 30.4% chưa hoàn tất trung học (so với 14.7% cho người Mỹ nói chung) và chỉ có 6.6% là học trên đại học (so với 10.3% cho người Mỹ nói chung). Đa số các cộng đồng Á Châu khác thua xa chúng ta về học lực.
– Người Việt trên 65 tuổi: 40.4% bị khiếm dụng (disability) so với 37.4% cho người Mỹ nói chung.
– Người Việt không sinh ở Hoa Kỳ: 50% chưa có quốc tịch.
– Người Việt trên 50 tuổi: 55% gặp trở ngại về Anh ngữ. Nếu chỉ tính những người lớn thì tỉ lệ bị trở ngại ngôn ngữ tăng cao hơn nhiều.
– Gia đình người Việt: 19.6% không có bảo hiểm sức khoẻ so với 15.1% cho người Mỹ nói chúng; 13.7% nằm trong diện nghèo khó so với 10.5% cho người Mỹ nói chung.


Khu thương mại Eden Center của người Việt tại Washington, D.C.

Thiếu dữ kiện về chính mình thì khó tránh được sự ngộ nhận. Và khi không biết thì cũng chẳng quan tâm. Thiếu sự quan tâm thì không có hành động để đối phó. Đó là tình trạng đáng lo của cộng đồng Việt sau 36 năm ở Hoa Kỳ. Trong binh thư, “biết người biết ta” là yếu tố tiên quyết để thành công. Chúng ta cần biết về chính mình.

Nhằm đáp ứng nhu cầu “biết ta”, trong nhiều năm qua BPSOS đã hợp tác với một số trung tâm nghiên cứu để tìm hiểu về một số khía cạnh của cộng đồng người Việt. Chúng tôi sẽ tuần tự công bố kết quả của các cuộc nghiên cứu này. Cho đến nay đây chỉ là những cuộc nghiên cứu này chỉ mang tính cách tủn mủn, vá víu tạm thời.

Để phục vụ kế sách thăng tiến cộng đồng trong 10 năm tới, BPSOS đang thành lập Viện Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese-American Research Institute), hay VARI. Nỗ lực này sẽ khuyến khích, huy động các chuyên gia người Việt và không phải người Việt thực hiện các công trình nghiên cứu thực dụng trong cả ba lĩnh vực: chính trị, kinh doanh và xã hội. Nỗ lực này sẽ được chính thức công bố tại Hội Nghị Toàn Quốc Những Người Lãnh Đạo Mỹ Gốc Việt, được tổ chức vào ngày 2 tháng 7 ở Hoa Thịnh Đốn.

Trong bước đầu của nỗ lực này, chúng tôi hợp tác với Phòng Kiểm Tra Dân Số để phổ biến những thông tin quý báu mà họ cung cấp thật rộng rãi trong cộng đồng người Việt.

[Trên đây là những thông tin được đúc kết bởi anh Nguyễn Thế-Anh, nhân viên Phòng Kiểm Tra Dân Số, Vùng Atlanta, CA, và một số nhân viên và thiện nguyện viên của BPSOS.]