Nhiều người bảo tôi may mắn. Tôi đồng ý nhưng tôi nghĩ may mắn chỉ là một phần thôi. Tôi là người bộc trực, thẳng thắn, có sao nói vậy, không biết nói lời đường mật hoa mỹ như người khác. Nhưng tôi nghĩ là cứ sống chân thành, tình cảm thì sẽ nhận lại được tấm chân tình của họ thôi.
Chị Nguyễn Khanh, 31 tuổi, chia sẻ câu chuyện về mẹ chồng người Mỹ khiến nhiều chị em mơ ước. Chị tâm sự, mẹ chồng chị năm nay đã 66 tuổi nhưng vẫn đi làm tư vấn luật cho các doanh nghiệp. Bà yêu công việc, yêu con cháu, và thương chị như con gái trong nhà.
Mẹ chồng tôi năm nay 66 tuổi. Ở Việt Nam là coi như “thất thập cổ lai hy”, nhưng bà không có điểm gì giống như vậy. Vợ chồng bà chia tay từ khi chồng tôi còn nhỏ (3 tuổi). Vượt qua nỗi buồn, một mình bà vừa đi làm vừa dạy dỗ, nuôi nấng 2 con trai trưởng thành.
Các con trai rất yêu thương, tôn trọng mẹ. Chuyện gì cũng tâm sự và hỏi ý kiến mẹ. Hồi đầu mới quen nhau, tôi cũng tự thắc mắc “sao chuyện gì cũng đem kể với mẹ vậy? Nhưng giờ bản thân cũng có con, tôi cũng mong sau này con trai mình cũng tin tưởng, tôn trọng mẹ nó như bố nó đối với bà nội vậy.
Bà ở Mỹ, gia đình anh trai chồng tôi ở Anh, vợ chồng tôi ở Hàn. Một năm cả nhà cố gắng sắp xếp công việc (bà vẫn làm việc và rất yêu công việc) để gặp nhau 1-2 lần. Mỗi lần như vậy, một tay bà thu xếp lên kế hoạch cặn kẽ từng chi tiết, từ việc nên đặt vé hãng nào giờ nào, nơi ăn chốn ở, hoạt động gì ở đâu… Nói chung bà không để các con phải lo liệu bất cứ điều gì. Bà sắp xếp hết, các con cháu chỉ việc bay đến với bà cho bà thoả nỗi nhớ mong.
Bà rất tâm lý, đặc biệt vô cùng nhạy cảm và chiều chuộng các con cháu. Mỗi lần về thăm bà, bà toàn giành việc chăm cháu, từ ăn uống tắm rửa đến chơi trò chơi. Bà toàn “xúi” các con: “Tối nay đi chơi đi, xem phim hay đi làm vài ly đi mẹ trông cháu cho”. Vì thế mỗi khi về thăm bà vợ chồng tôi rất nhàn. Bà cứ giành làm hết, bọn tôi từ chối cũng không được. Bà bảo chăm cháu là “vinh dự” của bà.
Vì ở với bà thoải mái vậy, nên thỉnh thoảng chồng tôi bận đi công tác lâu ngày, tôi và con lại bay qua chơi với bà thay đổi không khí. Mà về bên bà được chiều chuộng quá tôi còn tự cảm thấy bản thân bị “hư” đi quá nhiều! Nấu nướng ăn uống, giặt giũ bà cũng không cho tôi làm. Đến giờ ăn 2 mẹ con cùng làm (tôi chỉ “được” làm những việc như sơ chế, tẩm ướp này nọ thôi), ăn xong bà bảo tôi cho con đi ngủ đi rồi xuống.
Đặt con ngủ xong xuống đã thấy bà dọn rửa hết. Tivi thì bật sẵn show mà tôi thích xem. Bà ấn tôi xuống ghế ngồi, đặt gối sau lưng, lấy chăn đắp chân cho tôi đỡ lạnh rồi hỏi: “Con ăn kem dâu hay kem xoài?”. Tôi ngại quá bảo “mẹ cứ kệ con, trời ơi, mẹ không cần làm vậy đâu ạ!”. Bà bảo: “Không, con cứ ngồi yên vậy đi để mẹ làm!”.
Tôi chưa có bằng lái xe, mỗi khi về với bà, bà nhất quyết không cho đi taxi vì bà bảo không yên tâm, bà tự lái xe đưa tôi đi. Khám bệnh, mua sắm, học hành… bà bận đến mấy cũng sắp xếp công việc để đưa đón mẹ con tôi. Thời gian đầu chưa quen, tôi nói với chồng là tôi rất ngại làm phiền bà như vậy. Chồng tôi nói là mẹ vui vì được làm những việc như vậy nên cứ để mẹ làm.
Tôi và bà thường xuyên nói chuyện qua tin nhắn, email. Nhiều khi chỉ là hỏi han cháu nội bà hôm nay thế nào. Có những khi tôi và chồng cự cãi nhau, tôi cũng nhắn tin…”mách” mẹ chồng luôn. Bà luôn là người ở giữa hoà giải cho 2 vợ chồng. Bà không bênh con trai vô lý và rất tôn trọng con dâu.
Những dịp lễ tết, sinh nhật không bao giờ bà quên gửi video, thiệp mừng viết tay, cảm ơn con dâu “đã hết sức cố gắng vì chồng vì con”.
Nhiều người bảo tôi may mắn. Tôi đồng ý nhưng tôi nghĩ may mắn chỉ là một phần thôi. Tôi là người bộc trực, thẳng thắn, có sao nói vậy, không biết nói lời đường mật hoa mỹ như người khác. Nhưng tôi nghĩ là cứ sống chân thành, tình cảm thì sẽ nhận lại được tấm chân tình của họ thôi.
Chị Nguyễn Khanh cho biết mẹ chồng chị còn thường xuyên viết thư, gửi video hỏi thăm mẹ chị ở Việt Nam. “Hai bà một ở Mỹ, một ở Việt Nam nhưng vì hoàn cảnh riêng đều nuôi con một mình nên đều rất nghị lực, thấu hiểu nhau và yêu thương các con. Hai bà vì bất đồng ngôn ngữ, múi giờ và khoảng cách địa lý nên không gặp gỡ được nhau nhiều, nhưng hay viết thư hỏi thăm nhau rồi nhờ các con dịch lại cho hai mẹ”, chị Khanh nói.
Cô gái Hà Nội luôn kể về mẹ chồng với lòng đầy tự hào, vì với chị, mẹ thực sự là người mẹ thứ hai trong cuộc đời.
About The Author: Immigration Master
More posts by Immigration Master